Lịch sử Võ thức Thái cực quyền

Võ thức

Võ thức Thái cực quyền khởi nguyên từ anh em họ Võ ở Vĩnh Niên, Hà Bắc Trung Quốc. Ba anh em trong gia đình họ Võ, trong đó có Võ Hà Thanh, thường được biết dưới tên tự là Võ Vũ Tương (Wu Yu-hsiang 武禹襄, 1813-1880), và anh trai là Võ Trừng Thanh (武澄清, 1800-1884), đều luyện tập võ thuật từ nhỏ. Sau khi Dương Lộ Thiền (Yang Lu-ch'an hoặc Yang Luchan, 楊露禪, 1799-1872) từ Trần Gia Câu về quê, anh em Vũ Tương theo học Trần thức Lão giá Thái cực quyền từ Dương Lộ Thiền một thời gian (vào thời điểm Dương Lộ Thiền chưa sáng tạo Dương gia Thái cực quyền), sở đắc được đại khái[1]. Khi anh trai của Vũ Tương là Trừng Thanh đậu tiến sĩ năm 1852 và ra làm quan ở Hà Nam, Vũ Tương theo anh nhậm sở đã qua huyện Ôn Trần Gia Câu, muốn xin học thầy của Dương Lộ ThiềnTrần Trường Hưng (Chen Changxing hoặc Ch'en Chang-hsing 陳長興, 1771-1853) nhưng Trần Trường Hưng đã ngã bệnh vì tuổi cao. Biết Trần Thanh Bình (Chen Qingping hoặc Ch'en Ch'ing-p'ing 陳清苹, 1795-1868) đang truyền dạy Trần thức Tân giá Thái cực quyền ở Triệu Bảo Chấn, Võ Tương liền theo Thanh Bình học Tân giá được trên một tháng và ít nhiều nắm được yếu lĩnh, lý pháp.

Trong khi đó Võ Trừng Thanh ở Vũ Dương tìm được cuốn Thái cực quyền phổ (太極拳譜) của Vương Tông Nhạc, đưa lại cho Võ Tương. Võ Vũ Tương nhận được sách, ra sức nghiên cứu và phát huy ý nghĩa quyền phổ của Vương Tông Nhạc, kết hợp với những thể nghiệm của bản thân để sáng tác hoặc nhuận sắc các tác phẩm Thập tam thế hành công tâm giải (十三式行功心解), Thập tam thế hành công ca quyết (十三式行功歌決), Đả thủ ca yếu ngôn (打手歌要言) và quy nạp yếu lĩnh phương pháp rèn luyện của ông thành Thân pháp thập yếu (身法十要)[1]. Tất cả các tác phẩm này về sau được gộp chung trong quyền phổ của Vương Tông Nhạc, và được nhiều chi phái Thái cực quyền xem là kinh điển về phép tập Thái cực quyền[2].

Lý thức

Đến đời cháu của Vũ Tương mang tên Lý Kinh Luân, tự là Diệc Dư (Li I-yü 李亦畬, 1832-1892), nguyên là thầy thuốc, đã học quyền với Vũ Tương vào năm 1853 và tự nghiệm kỹ thuật, tu đính thêm lần nữa quyền phổ của Vương Tông Nhạc[2]. Theo lời cháu của Lý Diệc Dư là Hòe Ám năm 1935 trong Thái cực quyền phổ tự, thì bản quyền phổ đó do tiên tổ của ông lúc về già trước tác và tu sửa thêm phần hoàn thiện.

Hác thức

Lý Diệc Dư truyền tuyệt kỹ công phu Thái cực quyền lại cho một người đồng hương là Hác Hòa, tự là Vi Chân (Hao Wei-chen 郝為真, 1842-1920).

Trong những năm đầu Trung Hoa dân quốc, Võ thức Thái cực quyền truyền vào Bắc Kinh và có người gọi là "Lý giá" (Quyền thức của họ Lý), hay Lý thức Thái cực quyền. Khi Thái cực quyền theo bước chân của con Hác Vi Chân là Hác Nguyệt Như (Hao Yüeh-ru 郝月如) và cháu là Hác Thiếu Như (Hao Shao-ju hoặc Hao Shaoru, 郝少如) đến Thượng Hải, Nam Kinh, thì lại có người gọi là "Hác giá" (quyền thức của họ Hác), hay Hác thức Thái cực quyền. Bản thân Hác Nguyệt Như cũng để lại nhiều trước tác, chủ yếu là những ca quyết và trải nghiệm của ông trong võ học.

Do con cháu của họ Võ và họ Lý không nghiên cứu Thái cực quyền, từ giữa thế kỷ 20 Võ thức Thái cực quyền đã được truyền lưu từ họ Hác. Đặc biệt từ sau năm 1961 khi Cơ quan thể dục Thượng Hải lập Ban nghiên cứu học tập Võ thức Thái cực quyền, đã mời Hác Thiếu Như ra dạy[3].